Tôi quen ông qua vài đồng nghiệp Nhật, thời còn làm cho công ty mua bản quyền sử dụng hình ảnh Doraemon ở Việt Nam. Thoạt đầu, tôi nghe nhiều về ông, một con người vô cùng đặc biệt, qua những mẩu chuyện ngắn của cô Yukari, bạn thân với ông, cô nói về ông - về con người, về tính cách và cả những câu chuyện kỳ bí quanh ông, thời còn trẻ.
Keiji Nagai
Nếu không nhầm, tôi biết ông hơn 15-16 năm, chúng tôi không gặp nhau thường, nhưng mỗi lần đều có những buổi họp mặt, những câu chuyện hỏi thăm, những món quà...mọi người mừng ông quay lại Việt Nam. Quen ông lâu thế, tôi cứ gọi Nagai san, mà quên mất tên đầy đủ của ông - Keiji Nagai, thậm chí tuổi tác. Ông đã qua tuổi 60, ở ngày đầu gặp mặt.
Ông lúc học lớp 1, cùng người anh và chị gái (hình bên phải)
Bài viết về ông trong một tạp chí vào những năm 90s
Phòng khách nhà ông có tất cả mọi thứ, từ sách đến những món đồ ông mua từ rất lâu
Ông có một niềm đam mê lớn nhất trong suốt cuộc đời, nó đi theo ông từ trẻ cho đến những năm cuối đời - sưu tập ghế! Ông mê ghế đến mức độ nào, khó ai biết được! Dù gặp ở Sài Gòn, hay bất cứ nơi đâu, tôi thấy ông cứ khi rảnh là cứ ôm iPad để xem những trang mua bán, đấu giá quốc tế nổi tiếng, theo dõi những chiếc ghế ông yêu thích. Ông không nói tiếng Anh nhiều, tôi lại không biết tiếng Nhật, nên tôi chịu, không cách nào tìm hiểu nhiều hơn về đam mê này của ông.
Góc làm việc, dù nhìn bề bộn nhiều thứ nhưng vẫn có sự ngăn nắp đâu đó
Ông hay được mời trưng bày bộ sưu tập của mình tại các buổi triển lãm lớn, trong và ngoài nước Nhật, xuất hiện trong những chương trình truyền hình, từ lúc còn thanh niên. Theo như ông nói, một phần thu nhập đến từ đây. Có lần tôi tò mò, hỏi ông thích sưu tập loại ghế nào, ông nói nếu cảm thấy nó hay hay, về thiết kế, vật liệu, gốc gác và tôi đoán có thể cả những câu chuyện, hoàn cảnh đằng sau món đồ! Một khi thích, ông sẽ mua, bằng mọi giá.
Ông cùng những chiếc ghế trên một thiệp Giáng Sinh
Những cái ghế trong bộ sưu tập
Ông có hai nhà kho to ở ngoại ô Fukuoka dành cho những đúa con này
Có lần cả nhóm lang thang cùng ông trên đường Hai Bà Trưng, ông thích cái ghế nhỏ của cô bán hàng trong một sạp vải, ông hỏi nhưng tiếc người ta lại không bán, sau đó nghe nói ông tự quay lại để thuyết phục. Ông khá thích chợ Dân Sinh ở Sài Gòn, ông thích tìm những món đồ nhỏ, xưa.
Lần tôi lại nhà ông ở Fukuoka, theo ông xuống tầng hầm, tôi choáng váng vì như một nhà kho, có những món hàng lớn tuổi hơn cả tôi, rồi có những thứ ông mua, không phải một, mà cả tá!
Câu thang dẫn xuống hầm
Sony từ thời cha ông
và không chỉ một...
Tôi có lần lang thang cùng ông qua mấy con phố ở Paris, ông đi tìm cửa hiệu nội thất dọc sông Seine, đến nơi, cửa hiệu lại đóng cửa. Nhìn ông từ phía sau, ông đi, lúc nhẹ nhàng, thư thái, lúc nhanh nhưng không vội, như đang tận hưởng từng giây phút trong cuộc sống. Đôi lúc ông còn dành giúp tôi mang túi máy ảnh khá nặng, làm tôi cũng ngượng.
Ông có bạn sống ở Lugano, Thuỵ Sĩ, biết tôi ghé ngang Lugano, ông từ Milan, bắt xe lửa xuống Lugano, và như mọi lần, dù ở đâu, khi tôi bước vào sảnh khách sạn, ông đã ngồi đó, một góc trong lobby, chăm chú theo dõi các trang thông tin yêu thích trên mạng. Lần đó, ông giới thiệu tôi với hai người bạn sống ở Lugano, cả nhóm cùng nấu ăn, xem phim ngoài trời, lái xe lên núi lên núi, ngắm những triền núi xanh mát, qua biên giới Ý, cùng nhau dùng cà phê ven rừng thật đẹp.
Ông và người bạn ở Lugano
Cả hai nói chuyện với nhau rất hợp ý
Dừng chân uống nước dọc đường từ Lugano qua Ý
Một lần ở Paris, vừa từ sân bay về, tôi đi chung với chị người bạn sống ở Pháp lâu năm, loay hoay chờ người của chị đón, nên tôi về đến khách sạn khá trễ, vừa bước vào, anh chàng tiếp tân nói ngay có ông khách ngồi chờ tôi từ lâu...quay lại tôi thấy ông ngồi im làm việc trong một góc sảnh.
Lần đó có chuyện làm tôi cứ áy náy hoài trong lòng. Cũng bà chị người bạn, kêu lại nhà ăn bún miến gì đó, nhà sát vườn Luxembourg, ngay trung tâm, nên tôi nhắn ông đến dùng chung, biết ông thích món ăn nước của Việt Nam. Tôi từng chứng kiến cách ông "nhiệt tình" húp đến muỗng nước lèo cuối cùng của tô hủ tiếu nam vang hay phở. Tôi và bà chị loay hoay trong bếp, theo thói quen tôi để điện thoại im lặng, hai chị em chờ lâu không thấy ai bấm chuông, tôi lại không để ý xem điện thoại.
Ông và cô bạn Kaoru trên đèo Nita, trên đường đưa tôi đến núi Unzen nổi tiếng
Chờ hoài không thấy ông, hai chị em đành ăn, mãi lát sau tôi mới phát hiện mấy cuộc gọi nhỡ của ông. Sau đó tôi mới biết, ông đến đúng giờ, ông gọi điện thoại nhờ tôi xuống đón, vì code cửa khá phức tạp, thay vì bấm chuông cửa. Không thấy tôi bắt máy, thế là ông đứng chờ dưới đường gần cả tiếng, cuối cùng đành bỏ về. Mãi đến khi gặp ông lại, tôi xin lỗi rối rít! Ông cười, nói không có gì! Đến giờ tôi vẫn thấy có lỗi.
Nhiều chuyện bất ngờ xảy ra trong thời gian tôi làm việc cho mấy người Nhật. Tôi buộc rời khỏi công ty, trong lòng có phần ấm ức, vì thấy được chuyện gì đang xảy ra, nhưng không nói được. Ngay trong lúc đó, ông có ý mời tôi qua Nhật chơi, tôi nữa muốn đi, nữa không...phần cảm thấy ít nhiều mất niềm tin vào người Nhật, phần buồn không muốn đi đâu. Tôi từ chối.
Bánh castella - món quà hầu như lần nào qua Sài Gòn ông đều mua cho tôi
Vậy mà sau sự cố đó, ông khi qua Sài Gòn, thỉnh thoảng vẫn ghé nhà tôi đưa quà...và lúc nào cũng bánh castella. Nhờ ông mà tôi biết được cửa hiệu bánh castella đầu tiên ở Nhật từ thế kỷ 17. Ông là người Nhật duy nhất đến cúng mẹ tôi sau ngày bà mất. Một bình hoa thật to, tôi vẫn giữ chiếc bình.
Gần cả chục năm sau, ông nhắc lại lời mời năm xưa. Qua đây đi, ông nói, sẽ đưa về quê ông, dự lể hội dân gian, đi onsen và ngắm mùa Thu trên núi Unzen. Lần này tôi nhận lời, một phần lâu quá tôi chưa đi Nhật lại, một phần đang muốn đi đâu đó. Nhưng chưa khởi hành tôi đã phải mua 2 lần vé - lần đầu trong đời tôi lỡ chuyến bay khuya, đến sáng hôm sau khi nhận email từ Japan Airlines, mới biết mình phải ra sân bay từ đêm hôm trước!
Núi Unzen nơi ông đưa tôi đến ngắm cảnh mùa Thu - đẹp nhất ở miền Nam
Có chuyện lạ. Khách sạn tôi đặt, ngày giờ hẹn ông đón ở sân bay Fukuoka lại đúng, tức là nếu tôi bay đúng, thì không ai ra đón và cũng không có khách sạn ở! Thế là ngay sáng hôm đó, nhờ đứa cháu mua lại vé gấp đi Fukuoka vào tối khuya, giá một vé đi bằng cả vé khứ hồi!
Bù lại, tôi có một chuyến khám phá thú vị ở Kyoshu, quê hương ông, qua đêm ở ryokan hơn trăm năm tuổi của người chú ông. Ông đưa tôi đi tìm hiểu về lể hội trong suốt một ngày, ghé nhà quen và cả không quen, ăn uống, thấy tận mắt những phong tục tập quán của người dân Nhật tồn tại hàng mấy trăm năm. Nhớ cách ông loay hoay tìm chỗ ngồi tốt cho tôi chụp hình - trên nóc mái hiên cửa hiệu!
Lể hội Karatsu ở quê hương ông
Trên đường thả bộ về lại ryokan, ông hoài tưởng về thời niên thiếu, suốt ngày chạy lên chạy xuống ngọn núi gần nhà. Biết tôi thích onsen, ông nhờ người chị lái xe đưa ông và tôi từ Kyushu xuống Obama, một thành phố nổi tiếng về suối nước nóng ở miền Nam nước Nhật. Bà đưa tới xong lái xe về ngay, đường đi một chiều mất hơn 2 tiếng và người chị đã quá tuổi 70.
Ryokan của người bạn Kaoru Inoue
Lần đó chúng tôi ở 2 đêm trong ryokan của một người bạn, Kaoru Inoue, một cô chủ rất xông xáo, háo hức muốn biết về Việt Nam. Cô đưa chúng tôi đi đây đó, lên núi xem mùa Thu, đi tham quan nhiều chỗ lạ trong thành phố, đưa chúng tôi về Nagasaki. Và khi xem xong những hiện vật trong vụ nổ bom hạt nhân thời đệ nhị thế chiến, ông không quên mua hai cây kem từ xe bán kem trước cửa bảo tàng, như thời ông còn nhỏ.
Keiji Nagai 1948-2024
và góc làm việc hàng ngày giờ đã vắng bóng ông
Nói về Nagai san, tôi còn nhiều chuyện để kể. Việc ông tốt như thế nào, cách ông chăm chút bạn bè, nhớ đến mọi người, tính hay mua những món quà nho nhỏ nhưng gắn bó nhiều với tuổi thơ cho những người thân, người bạn. Ông điềm đạm và nhẹ nhàng, khoan dung và rộng lượng. Tôi nhớ ông khuyên tôi cho qua lỗi lầm của người đồng nghiệp năm xưa. Lần đó, như còn bực tức trong lòng, tôi nói khó lòng quá. Ông nhẹ nhàng nhìn tôi, cười nhẹ, ý như nói mọi chuyện rồi sẽ qua...
No comments:
Post a Comment